Năm 2005 tại Nam Phi, Pearl Mali (12 tuổi) bị mẹ ruột đưa người đàn ông lạ mặt vào phòng hiếp dâm vì cô là đồng tính nữ. Mẹ cô tin rằng hiếp dâm là cách thức hiệu quả nhất để “nắn thẳng” con mình. Khi cô sinh con, mẹ không cho phép cô chạm vào vì sợ sẽ làm cháu trai trở thành người đồng tính. [1]
Simphiwe Thandeka, cũng ở Nam Phi, 13 tuổi và là đồng tính nữ. Cô ăn mặc như tomboy và một người anh họ đã hỏi cô tại sao lại ăn mặc như vậy. Gã đã cưỡng hiếp cô ngay trên giường ngủ vào một đêm nọ. Lúc ấy cô còn không biết đó là một vụ hiếp dâm. Ngày hôm sau, cô bị chảy rất nhiều máu nên mới kể lại với mẹ hành vi của anh họ và chỉ nhận được câu trả lời hờ hững của mẹ rằng “đó là vấn đề gia đình thôi”. Mẹ cô không nói gã anh họ ấy dương tính với HIV. Sau đó cô liên tục bị cưỡng hiếp và đánh đập bởi người bạn của gã với mục đích giúp cô trở lại thành gái thẳng. [1]
Tại Ấn Độ, các thành viên trong một gia đình nọ đã ép cậu con trai quan hệ tình dục với chính mẹ ruột để chữa bệnh đồng tính của cậu. [2]
Tại Anh vào những năm 1980 và 90, một người đàn ông đã cưỡng hiếp con gái ruột, là người đồng tính nữ, để chứng minh với cô rằng quan hệ tình dục với đàn ông sướng hơn phụ nữ. [3]
Ở Việt Nam, từng có trường hợp cha mẹ đánh thuốc mê con gái mình rồi cho một người đàn ông lạ mặt cưỡng dâm với hy vọng chữa được bệnh đồng tính cho con. [4]
Người đồng tính không chỉ nhận sự kỳ thị của xã hội mà còn phải đối mặt với định kiến dã man từ chính người thân của mình. Họ không thể tố cáo mà chỉ đành cắt đứt quan hệ với gia đình, thậm chí bỏ trốn khỏi nhà để xóa đi những mảnh ký ức đau lòng.
Vào ngày 28/6/1969, cảnh sát Mỹ vây bắt quán rượu Stonewall. Đây vốn là nơi hoạt động của những người da màu và đồng tính. Một cuộc bạo loạn, tấn công và biểu tình đã lan ra khắp thành phố. Từ đó, quán rượu đã trở thành địa điểm hoạt động của cộng đồng LGBTQ+. Các nhà hoạt động xã hội cũng đến khu vực này để tuyên truyền phong trào đấu tranh cho cộng đồng LGBTQ+.
Đây là lần đầu tiên, người đồng tính lên tiếng để yêu cầu thừa nhận sự tồn tại với các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như những người khác. Nó mở đầu cho tinh thần đấu tranh chống kỳ thị, phân biệt, định kiến kể từ đó cho đến nay.
Đó là lý do mà quốc tế dành riêng một tháng 6 để nâng cao tiếng nói của LGBTQ+, tôn vinh văn hóa LGBTQ+ và ủng hộ quyền của LGBTQ+.
Cũng có người cho rằng bây giờ xã hội đã cởi mở hơn, nhiều nước đã công nhận hôn nhân đồng tính. Những người đồng tính xung quanh họ không còn bị kỳ thị hay phân biệt. Vậy thì nên chấm dứt tháng “tự hào” vì nó chỉ làm cộng đồng LGBTQ+ trở nên “khác thường” mà thôi.
Thực tế thì hiện nay, vẫn còn nhiều nước xem những người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới là nguy hiểm và phạm tội; thậm chí áp dụng cả hình phạt tử hình. Theo Forbes (cập nhật vào tháng 5, 2020), đồng tính vẫn được xem là bất hợp pháp ở 70 quốc gia. Ví dụ ở Malaysia, người thuộc cộng đồng LGBTQ+ sẽ nhận hình phạt là phạt tiền, phạt tù (2 đến 20 năm) hoặc bị đòn roi. Tại Sri Lanka, hình phạt tối đa là 20 năm tù kèm theo tiền phạt, tra tấn, đánh đập, hành quyết… [5]
Khoảng 12 quốc gia có nhiều hình phạt man rợ hơn như tại Ả Rập Xê Út là các bản án từ vài tháng đến chung thân, tiền phạt hoặc đánh đòn, đánh đập, thiến, tra tấn hoặc tử hình. Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất là tử hình, tù chung thân, đòn roi, trục xuất, thiến hóa học, điều trị tâm lý cưỡng bức, tiêm hormone cưỡng bức, tra tấn… [6]
Một báo cáo [5] về tình trạng pháp lý của cộng đồng LGBTQ+ trên toàn cầu cho thấy trong các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc:
+ Chỉ 3/10 (57 quốc gia) có luật bảo vệ rộng rãi khỏi phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục (việc làm, y tế, giáo dục, dịch vụ…)
+ Chỉ 2/5 (77 quốc gia) có luật bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc dựa trên xu hướng tính dục.
+ Chỉ 1/4 (46 quốc gia) có hình phạt hình sự với các hành vi phạm tội vì thù hận xu hướng tính dục của nạn nhân.
Như vậy, nếu bạn thấy cộng đồng LGBTQ+ ở xung quanh bạn không chịu sự kỳ thị, phân biệt nào thì quả thật là điều đáng mừng. Nhưng điều đó không có nghĩa mọi người thuộc cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới cũng đều được như vậy. Đó là lý do mà phong trào vận động quyền LGBTQ+ nói chung, tháng Pride Month nói riêng, vẫn cần được duy trì cho đến hôm nay và ngày sau.
Nguồn thông tin trong bài:
[4] Thuê thầy cúng, cho người hiếp con để “cai” đồng tính (nguoiduati n.vn)
[6] Quyền LGBT của các quốc gia, vùng lãnh thổ – Wikipedia tiếng Việt