Vì sao khi chia tay, lý do cuối cùng để kết thúc cuộc tình đều là “không hợp”? Hay hầu hết các cặp vợ chồng tranh cãi và dẫn đến ly hôn đều nghĩ rằng mình cưới nhầm người? Phải chăng chúng ta chưa tìm được tầng mây thích hợp?
Chúng ta thường có xu hướng muốn gần với người có nhiều nét tương đồng nhất (về tính cách, suy nghĩ, thái độ sống, hành xử, gia thế,…) có thể với chính mình, hay nói cách khác, chúng ta tìm chính mình trong đối phương. Điều này sẽ giúp hạn chế mâu thuẫn, tranh cãi và khi cả hai có nhiều điểm chung, sẽ có nhiều chủ đề để chia sẻ và cũng nâng cao sự liên kết.
Ngoài ra, một số chúng ta lại thường tìm kiếm người có điểm bù đắp cho khiếm khuyến của bản thân với mong muốn họ sẽ khỏa lấp được phần còn thiếu cho mình.
Vậy việc lựa chọn người yêu hay bạn đời cũng là do nhu cầu của chính chúng ta, quyết định cuối cùng có cho đối phương cơ hội ghép đôi không cũng là chúng ta, nhưng vì sao cuối cùng ta lại nghĩ “hóa ra họ không phải người ta tìm kiếm”?
Sự thật là không ai là “một nửa hoàn hảo” của ai cả! Việc bạn thấy ban đầu họ có quá nhiều sở thích, suy nghĩ giống với mình, hay họ tới và lấp đầy khiếm khuyến của bạn và bạn biết ơn, tô hồng thêm cho hình ảnh người ấy trong đầu bằng định nghĩa áp đặt “đây là chân ái của đời mình rồi!”. Càng kì vọng vào tầng mây này, nghĩ rằng không còn gì để chê nữa, cũng không kiếm được ai tốt hơn họ, thế là bạn lao vào yêu hay đồng ý tiến đến hôn nhân.
Và trong giai đoạn sống chung này, va chạm, sóng gió bắt đầu nảy sinh đến khi cả hai vỡ mộng.
Điều cần làm là cả hai cần hạn chế mộng tưởng về một mối quan hệ màu hồng. Thay vào đó, phải cố gắng dung hòa đôi bên vì ai cũng có ưu khuyết điểm riêng, nỗ lực kết nối với đối phương bằng chính những điều mà ngay từ đầu ta cảm thấy họ hợp guu, khen ngợi khi họ đã nỗ lực khỏa lấp khiếm khuyến của ta và kéo gần khoảng cách của hai người.
Tình yêu không phải là hành trình tìm kiếm một nửa thất lạc đâu đó mà biến một người lạ – phù hợp điều kiện cần và đủ của nhu cầu tình cảm – thành người thân không thể tách rời.
– Bunny –