Chắc các anh em vẫn còn nhớ cảm giác vui sướng khi được nhìn thấy vòng 1 của mình phẳng lì trong lần đầu sử dụng áo chức năng phải không nè?

Đối với cộng đồng trans guys tụi mình, vấn đề ăn mặc không chỉ bao gồm việc nhìn có sành điệu hay không, có vừa vặn hay không mà còn cả việc làm sao để “giấu ngực” nữa. Đặc biệt là anh em nào có vòng 1 hơi lớn một chút thì vấn đề này càng được chú trọng hơn.

Thường khi muốn làm phẳng ngực, chúng ta sẽ tìm mua các loại áo chức năng, bản nịt, keo dán để giúp bản thân cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi ra đường.

Thế nhưng, những cách này tuy thông dụng, nhưng không có nghĩa là nó không ẩn chứa những nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của mình. Vậy làm thế nào để ăn diện “men-lì” mà vẫn an toàn cho sức khỏe của mình? Hãy để FTM giải đáp giúp anh em nha!

Bó ngực không đúng cách có hại cho sức khỏe như thế nào?

Gây khó thở, giảm chức năng hô hấp của phổi

Việc lồng ngực bị ép chặt sẽ gây khó khăn trong quá trình hô hấp dẫn đến các triệu chứng như khó thở, nhanh xuống sức. Thậm chí có những anh em còn bị nhịp thở không đều dẫn đến thiếu oxy cho cơ thể và có thể bị ngất khi vận động ở cường độ cao.

Vấn đề về xương và cột sống

Do áp lực của áo nịt ngực, sức nặng của bộ ngực khi đó sẽ tác động trực tiếp đến vai thay vì “lan tỏa” khắp lưng, dẫn đến đau vai, lưng và cổ. Ngoài ra còn có thể hạn chế các cử động của xương đòn và xương sườn trên, vốn là những nơi gây đau, khó thở, thậm chí tiêu cơ.

Có nhiều bạn vì mặc áo bó ngực không đúng cách trong một thời gian dài, dẫn đến việc bị biến dạng cột sống, thường xuyên đau lưng, thậm chí là gãy xương sườn.

Nguy cơ ung thư vú

Mặc áo nịt ngực quá chặt trong một thời gian dài sẽ khiến lượng máu lưu thông đến ngực bị giảm, vùng ngực bị ép chặt trong thời gian dài, kích thích sự phát triển bất thường của các tế bào mô vú, hạn chế dòng bạch huyết, có nguy cơ (dù là khá nhỏ) tạo các khối u ung thư vú. Nhất là ở những anh em dùng dụng cụ bó gây biến dạng ngực quá nặng.

Lưu thông máu và các vấn đề về tim mạch

Ngực là vị trí tập trung rất nhiều mạch máu và nằm ngay bên trên tim. Chính vì thế, khi ngực bị ép quá chặt sẽ cản trở quá trình co bóp của tim, khiến việc lưu thông máu trong toàn bộ cơ thể sẽ gặp nhiều trở ngại. Lâu dần, hệ hô hấp và tim mạch sẽ bị có nguy cơ bị ảnh hưởng và sinh bệnh.

Kích ứng da

Chúng ta đều biết rằng cơ thể sẽ đào thải độc tố thông qua hệ bài tiết và một phần sẽ được đưa ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi trên da. Tuy nhiên, khi anh em sử dụng áo nịt ngực, vòng 1 bị “o ép” tạo ra không gian bí bách, các lỗ chân lông cũng không thể “hít thở” bình thường. Điều này sẽ gây cản trở quá trình đào thải độc tố ở khu vực này. Nếu nhẹ thì sẽ gây nên hiện tượng sưng, viêm chân lông, nhiều trường hợp nặng hơn thậm chí có thể làm suy giảm hệ miễn dịch trên toàn bộ cơ thể.

Mô ngực bị biến dạng

Khi ngực bị ép quá chặt, nó sẽ gây lên những tổn thương cho mô ngực.

Ngực bị chảy xệ

Có những anh em vòng 1 “big size”, nịt ngực trong thời gian dài từ 5-7 năm, không thể tránh khỏi việc ngực bị chảy xệ nếu không biết sử dụng các sản phẩm ngụy trang đúng cách. Đặc biệt là những anh em nào có ý định can thiệp định giới phần trên (phẫu thuật ngực), thì phải nên lưu ý đến điều này vì nó sẽ ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ của khuôn ngực sau phẫu.

———

Tuy áo nịt là một phương pháp có vẻ khá an toàn để làm ngực trông “phẳng lì” nhưng nó vẫn tiềm tàng những nguy hại cho sức khỏe như vừa được nêu ở trên. Tiếp theo đó, hãy cùng FTM tìm hiểu về cách sử dụng áo nịt một cách có lợi cho sức khỏe bản thân nhé.

Lời khuyên sử dụng đúng cách

Các loại áo nịt ngực phổ biến

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại áo nịt mà ta thường bắt gặp, điển hình như:

▪️ Áo nịt dáng ngắn: Loại áo nịt này có hình dáng trông giống các loại bra thể thao, phần che ngực sẽ được thiết kế dày và chắc hơn cho việc làm phẳng. Loại áo này thường có quai gài bên hông áo.

▪️ Áo nịt dáng dài: Điểm khác biệt giữa loại áo này với loại phía trên chính là về độ dài, áo dáng ngắn thường có độ dài đến hết phần ngực, áo dáng dài thì lại dài đến bụng.

Cách chọn size áo nịt phù hợp

Việc lựa chọn size áo nịt vừa vặn với cơ thể là điều vô cùng quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động sau này. Về việc chọn size áo nịt, lựa chọn vừa vặn sẽ luôn là tốt nhất, không nên quá to hay quá nhỏ.

Làm sao để biết mình đã chọn đúng size áo cho bản thân? Đó là khi bạn có thể thoải mái cử động tay mà không gặp khó khăn nào. Thường thì các shop bán áo nịt ngực sẽ cung cấp cho khách hàng một bảng size, bạn hãy dựa vào đấy để chọn cho mình một chiếc phù hợp nhé. Ngoài ra, một tip nhỏ cho các bạn có số đo nằm giữa hai size, lựa chọn tốt nhất chính là chọn size lớn hơn nha.

Một số lời khuyên giúp anh em mặc binder an toàn hơn

– Không nên mặc áo trên 8-10 giờ một ngày. Mặc áo nịt hàng giờ liên tục mỗi ngày theo thời gian có thể gây ra các vấn đề về hô hấp hay phá vỡ mô vú. Bạn có thể để cho cơ thể nghỉ ngơi một tí. Trong thời gian đó, nếu có bị bức bối giới thì anh em có thể tạm thời mặc áo nhiều lớp hoặc áo rộng, áo dày để tránh bị ánh mắt “soi mói” ở vòng 1, đó cũng là một cách và dĩ nhiên không nhất thiết phải mặc chúng 24/7, nhất là vào mùa hè và cần uống đủ nước, tắm rửa kỹ càng mỗi ngày.

– Không nên mặc áo nịt khi ngủ và khi tập thể dục. Khi tập luyện, hãy sử dụng áo ngực thể thao thay cho áo nịt, vì mặc áo nịt khi hoạt động mạnh chỉ khiến việc cử động và hô hấp khó khăn hơn thôi.

– Hãy lắng nghe cơ thể của mình nhiều hơn và không nên tiếp tục sử dụng áo nịt khi bắt đầu cảm thấy đau. Đau luôn là một dấu hiệu không tốt. Thay vào đó hãy tìm hiểu về loại áo phù hợp với cơ thể hơn hoặc thử các cách khác nhau để giấu ngực mà không cần dùng áo nịt. Nếu tình trạng đau kéo dài, đừng ngần ngại tìm đến các cơ sở y tế nhé.

– TUYỆT ĐỐI không bó ngực bằng băng keo thông thường. Chúng không được thiết kế để dùng trên da nên có thể khiến vùng ngực bị tổn thương và còn gây ra khó thở.

– Không nên ấn ngực xuống phía dưới khi bó ngực. Dù làm vậy có thể khiến ngực trông phẳng hơn nhưng nếu bạn có ý định phẫu thuật vùng ngực sau này thì việc này sẽ có ảnh hưởng xấu.

– Sau khi dùng áo nịt, bạn nên tập một số bài tập giãn cơ để tránh các triệu chứng đau nhức, dưới đây là một số động tác mà FTM đề xuất:

1. Dùng tay xoay cổ nhẹ nhàng sang hai bên vai

2. Giãn cơ, xương cổ bằng cách nghiêng đầu áp sát lần lượt từng bên vai trong khi tay giữ đầu

3. Xoay đầu liên tục sang hai bên

4. Đặt hai tay sau gáy, kéo đầu về phía trước, cố gắng để cằm chạm ngực. Bài tập này giúp giãn các xương đốt sống cổ và cơ bả vai.

5. Hai bàn tay đặt dưới cằm, đẩy nhẹ đầu ngửa lên

6. Giơ hai tay thẳng hướng lên trời và xoay tay theo vòng tròn nhỏ để bắt đầu giãn cơ vai

7. Đưa một tay thẳng ra phía trước, ngang vai và song song với mặt đất. Sử dụng tay còn lại để kéo và áp sát tay vào cơ thể tại khuỷu tay của tay giơ thẳng

8. Giơ một tay lên phía trên đầu, sau đó gập cánh tay đó lại sao cho mặt trong của cánh tay hướng ra phía ngoài. Tay còn lại kéo giữ khủy tay của tay kia.

9. Đan tay bàn tay vào nhau và giơ thẳng tay lên sao cho mu bàn tay hướng về phía đầu. Cố gắng kéo giãn cơ vai, cơ ngực, cột sống

10. Giữ nguyên tư thế hai tay như ở bước 9. Nghiêng người lần lượt sang hai bên để giãn các cơ liên sườn

11. Đan hai bàn tay vào nhau và đưa thẳng về phía trước sao cho mu bàn tay hướng về phía ngực. Cố gắng kéo tay về phía trước trong khi đẩy cột sống về phía sau để giãn cột sống và xương bả vai.

12. Đưa hai tay ra phía sau lưng, hai bàn tay nắm lấy nhau. Cố gắng kéo tay về phía sau trong khi lưng giữ thẳng, nhìn về phía trước. Hít thở sâu.

Các phương pháp khác thay cho áo nịt

Tất nhiên sẽ có những trường hợp áo nịt chưa thể làm chúng ta hài lòng, vì vậy hãy nghĩ đến hướng phối hợp trang phục nhé.

– Việc giảm cân cũng là một phương pháp rất tốt cho sức khỏe, đồng thời nó sẽ làm cho ngực nhỏ lại, nếu bạn vẫn muốn bó ngực thì cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều.

– Mặc nhiều lớp áo: Bạn có thể thử kết hợp một chiếc áo phông hoặc áo ba lỗ bó nằm dưới một vài chiếc áo phông hoặc sơ-mi rộng, việc này có thể khiến ngực trông nhỏ hơn.

– Sử dụng keo y tế để bó ngực: Hiện nay trên thị trường có nhiều loại keo y tế với nhiều kích thước khác nhau tùy theo size ngực.

+ Keo y tế 3M (hai size: 5cm và 7.5cm): Khi gỡ keo ra thì có thể vùng da sẽ dính lằn đen vì bám keo, việc này thì chỉ cần tắm sẽ có thể rửa sạch nhưng vẫn sẽ khá bất tiện với một số bạn. Ngoài ra, loại keo này không có nhiều lỗ thấm để thoát mồ hôi cho nên khi gỡ vùng da có thể sẽ đỏ lên.

+ Keo vải (size: 3cm, 5cm. 7.5cm, 10cm, 11.5cm, 13cm): Loại keo này có độ dãn và nhiều lỗ thoát mồ hôi hơn, tuy nhiên bạn cần phải tìm hiểu cách sử dụng kĩ càng vì nếu sai thì da có thể bị tổn thương.

+ Keo vải y tế: Loại này sẽ không dãn được như loại trên, nhưng thay vào đó thì loại này có ít keo hơn, nên sẽ phù hợp với mấy bạn mới tìm hiểu và sử dụng keo y tế.

+ Keo trong suốt: Loại keo này có độ dãn nhưng lại không thể thấm mồ hôi nên có thể gây ra cảm giác bí bách.

Khi sử dụng keo y tế cũng sẽ có một số điều nên lưu ý: Không nên quá lạm dụng, khi sử dụng bạn nên dùng bông băng để che phần đầu ti trước khi dán lên vì nếu không khi gỡ keo đầu ti có thể bị tổn thương.

Bài viết được tham khảo từ Cẩm nang chuyển giới: Hành trình được là chính mình – Phần B: Sức khỏe – hạt mầm của sự sống, iSEE.

https://bit.ly/camnangchuyengioiphanbisee

🌱 Người viết: Nhật Anh, Ray, Phấn

🌱 Hiệu đính: Colins

🌱 Design: Grey

Đăng tải trên fanpage: FTM Vietnam Organization

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top