Trong thời gian mang thai và cả sau khi sinh, vùng kín của bạn sẽ trải qua nhiều thay đổi rõ rệt mà nếu không biết chăm sóc đúng cách thì sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì vậy, ở chuyên đề lần này, SEBT sẽ tập trung hướng dẫn cách vệ sinh và chăm sóc âm đạo, giữ vùng kín luôn khỏe mạnh trong và sau khi sinh nở.

Khi mang thai, bạn sẽ thấy cơ thể mình trải qua nhiều thay đổi rõ rệt như ngực và bụng ngày càng lớn hơn. Thật ra vùng kín cũng trải qua những thay đổi tương tự. Có những thay đổi là bình thường nhưng cũng có những thay đổi cảnh báo các biến chứng tiềm ẩn. Vì vậy, bạn cần nắm được các dấu hiệu nhận biết sức khỏe của âm đạo khi mang thai.
1. Âm đạo thay đổi thế nào khi mang thai?
Tăng tiết dịch âm đạo
Tăng lượng dịch tiết âm đạo là một trong những thay đổi đáng chú ý ở “cô bé” khi mang thai. Nguyên nhân là do nồng độ estrogen và progesterone đang ở mức cao. Bên cạnh đó, sự gia tăng lưu lượng máu cũng có thể góp phần làm tăng tiết dịch âm đạo.
Dịch tiết khi mang thai phải loãng, có màu trắng đục. Nó có thể đặc hơn khi gần đến ngày sinh. Dịch tiết không nên bốc mùi hôi, nhưng vẫn mang mùi nhẹ dễ nhận thấy hơn bình thường.
Nếu lượng dịch tiết ra quá nhiều làm bạn khó chịu, bạn có thể dùng thêm băng vệ sinh hàng ngày.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo
Trong một số trường hợp, lượng dịch âm đạo tăng lên lại là dấu hiệu cho thấy “cô bé” bị nhiễm trùng.
Nhiễm trùng âm đạo thường gặp trong khi mang thai một phần là do sự thay đổi nội tiết tố dẫn đến mất cân bằng độ pH của âm đạo. Những loại nhiễm trùng âm đạo phổ biến khi mang thai gồm:
+ Nhiễm trùng nấm men: Trong thời kỳ mang thai, dịch tiết âm đạo chứa nhiều đường hơn, mà đây lại là món ăn yêu thích của nấm men. Nhiễm trùng nấm men không gây hại cho thai nhi nhưng sẽ làm sinh hoạt bình thường của bạn trở nên khó chịu. Các triệu chứng của nhiễm trùng nấm men bao gồm ngứa âm đạo, tiết dịch giống như pho mát và có mùi men, kèm theo nóng rát âm đạo.
+ Viêm âm đạo do vi khuẩn: Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ, 10% – 30% phụ nữ mang thai sẽ bị viêm âm đạo do vi khuẩn [1]. Tình trạng này là do sự mất cân bằng của vi khuẩn có lợi và hại trong âm đạo. Triệu chứng thường là tiết dịch màu xám, có mùi tanh. Nếu không được điều trị, thai phụ có khả năng chuyển dạ sinh non, sinh con nhẹ cân và sẩy thai.
+ Nhiễm trùng roi Trichomonas: Bệnh nhiễm trùng này lây truyền khi quan hệ tình dục với người bị bệnh. Nó có thể gây ra các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng, chẳng hạn như vỡ ối quá sớm và sinh non. Các triệu chứng của nhiễm trùng roi trichomonas bao gồm tiết dịch vàng xanh có mùi hôi, ngứa và đỏ âm đạo; đau khi đi tiểu và lúc quan hệ tình dục.

Sưng âm đạo
Để nuôi dưỡng thai nhi phát triển, lưu lượng máu của bạn sẽ tăng lên đáng kể trong thai kỳ. Điều này dẫn đến môi âm hộ và âm đạo có vẻ sưng hơn, đầy hơn. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, vùng kín có thể sẫm màu hơn và có màu hơi xanh.
Tình trạng sưng tấy và tăng lưu lượng máu này cũng có thể làm tăng ham muốn tình dục, khiến bạn dễ thấy hưng phấn hơn.
Giãn tĩnh mạch âm hộ
Chân không phải là nơi duy nhất bị chứng giãn tĩnh mạch khi mang thai. Chúng cũng có thể xảy ra ở vùng âm hộ và âm đạo của bạn. Nguyên nhân là vì lượng máu tăng lên và tốc độ máu chảy từ chi dưới giảm xuống.
Giãn tĩnh mạch âm hộ có thể gây ra áp lực, đầy hơi và khó chịu ở vùng kín. Một số cách giúp giảm các triệu chứng này là chườm lạnh, kê cao hông khi nằm và mặc loại quần áo bó. Hầu hết các chứng giãn tĩnh mạch âm hộ sẽ tự biến mất trong vòng vài tuần sau khi sinh.
Chảy máu âm đạo
Chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt đầu tiên là chuyện bình thường. Có thể là do trứng đã thụ tinh làm tổ đến niêm mạc tử cung của bạn. Cũng có thể chảy máu là bởi lượng máu tăng lên. Trong một số trường hợp, chảy máu âm đạo là dấu hiệu của sảy thai, đặc biệt nếu nó đi kèm với chuột rút dữ dội.
Chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba mới là đáng lo ngại. Bạn nên đi bệnh viện ngay nếu chảy máu âm đạo của bạn là do:
+ Bong nhau thai (khi nhau thai bong ra khỏi niêm mạc tử cung)
+ Mở cổ tử cung sớm
+ Chuyển dạ sinh non
+Vỡ tử cung
Ngoài ra, khi bắt đầu chuyển dạ, bạn có thể thấy âm đạo tiết dịch có lẫn chất nhầy màu hồng. Chuyện này là bình thường, bạn không cần lo lắng.
2. Cách chăm sóc âm đạo khỏe mạnh trong khi mang thai
Âm đạo đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình mang thai và sinh nở. Vì vậy, bạn cần phải đặc biệt quan tâm chăm sóc “cô bé” hơn bình thường. SEBT gợi ý một số mẹo dưới đây:

+ Làm khô âm đạo bằng máy sấy tóc ở chế độ thấp và mát sau khi tắm. Tuyệt đối không để “cô bé” ở trạng thái ẩm ướt.
+ Lau “cô bé” từ trước ra sau khi đi vệ sinh.
+ Không thụt rửa hoặc dùng băng vệ sinh có mùi thơm.
+ Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc vùng kín có mùi thơm.
+ Mặc quần áo hoặc quần lót rộng rãi, làm từ chất liệu cotton. Tránh các loại quần bó hoặc quần tất.
+ Nếu bạn làm hoạt động đổ nhiều mồ hôi thì lập tức thay quần áo khô ngay. Điều này sẽ giúp giữ vùng kín luôn khô ráo.
+ Ăn sữa chua thường xuyên.
+ Giảm lượng đường nạp vào cơ thể.
+ Luôn uống đủ nước.
+ Ăn chế độ lành mạnh, cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
+ Nếu quan hệ tình dục, hãy dùng bao cao su để tránh lây nhiễm các bệnh STIs khi đang mang thai.

1. Âm đạo thay đổi thế nào sau khi sinh con? (Kèm cách khắc phục)
Khi thấy cơ thể mình thay đổi lúc mang thai, không ít chị em băn khoăn về tình trạng âm đạo sau khi sinh. Rất nhiều lời truyền miệng khiến các chị em cho rằng vùng kín của mình sẽ trở nên tồi tệ, tan nát, khó mà hồi phục như trước nếu sinh thường.
Vậy chính xác thì âm đạo sẽ thay đổi như thế nào sau khi sinh và có cách nào giúp hồi phục âm đạo cho mỗi sự thay đổi đó?
Thay đổi 1: Âm đạo có thể khô hơn trong một thời gian
Khi bạn mang thai, một số hormone như estrogen sẽ tăng cao; sau khi sinh con, nồng độ của chúng giảm xuống, dẫn đến tình trạng khô âm đạo.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ [2], estrogen giúp giữ ẩm cho vùng kín với chất lỏng tự nhiên và trong suốt, có tác dụng bôi trơn. Nếu không có đủ estrogen, bạn không chỉ mất đi độ ẩm như cũ mà mô âm đạo có thể co lại và mỏng hơn. Tất cả yếu tố này khiến âm đạo bị khô hơn bình thường sau khi sinh.
Nếu bạn không cho con bú, độ ẩm ở âm đạo có thể trở lại bình thường trong vòng vài tuần. Như vậy trong thời gian cho con bú, bạn phải chấp nhận việc âm đạo sẽ bị khô.
Tình trạng khô âm đạo không chỉ khiến bạn khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày mà còn gây đau nếu quan hệ tình dục.
Giải pháp: Hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể dùng gel bôi trơn hoặc biện pháp nào khác giúp cải thiện tình trạng khô âm đạo tạm thời này không.
Thay đổi 2: Âm đạo và đáy chậu bị đau
Đáy chậu là khu vực nằm giữa âm đạo và hậu môn. Mặc dù nó không thuộc một bộ phận của âm đạo nhưng vẫn có thể bị rách trong khi sinh thường.
Theo Hội Sản Phụ khoa Mỹ (ACOG), từ 53% đến 79% các ca sinh thường sẽ gây ra một số vết rách với 4 mức độ như sau [3]:
1. Rách cấp độ 1: các vết rách xuất hiện ở vùng da xung quanh cửa âm đạo hoặc tầng sinh môn. Cấp độ này có thể không cần khâu và thường lành trong vòng 4 tuần.
2. Rách cấp độ 2: vết rách liên quan đến tổn thương cơ đáy chậu – nơi nâng đỡ tử cung, bàng quang và trực tràng. Cấp độ này thường phải khâu và lành trong vòng 4 tuần.
3. Rách cấp độ 3: vết rách ở cơ đáy chậu và cơ quanh hậu môn. Cấp độ này thường nghiêm trọng hơn 2 cấp độ nói trên, có thể cần phẫu thuật để khâu lại trong phòng phẫu thuật mà không phải phòng sinh. Thời gian để hồi phục là 12 tuần.
4. Rách cấp độ 4: vết rách ảnh hưởng đến cơ đáy chậu, cơ xung quanh hậu môn và mô lót trực tràng. Đây là cấp độ nghiêm trọng nhất và phải được khâu lại trong phòng phẫu thuật. Thời gian để hồi phục có thể mất hơn 12 tuần.
Theo một bản tin của ACOG vào tháng 7 năm 2016, rất khó để xác định tỷ lệ thực sự của các cấp độ rách nhưng cấp độ 3 và 4 có thể chỉ chiếm khoảng 11% tổng số vết rách.
Giải pháp: Để xoa dịu cơn đau trong khi chờ đợi các vết rách lành hẳn, bạn có thể thử các cách như chườm đá lạnh (nên bọc đá trong khăn), tắm ngồi. Hoặc bạn hỏi bác sĩ xem có thể dùng thuốc gây tê dạng xịt không.
Đối với tắm ngồi, bạn chỉ nên ngâm trong nước vài cm, mực nước lên đến hông. Ép hai bên mông vào nhau khi đang ngồi để tránh làm đau vết khâu. Ở vài ngày đầu, bạn ngâm trong nước mát, sau đó chuyển sang nước ấm. Bạn ngâm trong khoảng 20 phút, từ ba đến bốn lần một ngày là ổn.
Vết rách cũng gây ra một hệ lụy khác là khiến bạn đau đớn khi đi đại tiện. Giải pháp ở đây là cố gắng giữ phân mềm và đại tiện thường xuyên thay vì để mình bị táo bón hoặc thải ra loại phân cứng – cả hai đều khiến bạn thấy đau đớn hơn. Vì thế bạn nên ăn đủ chất xơ, uống nhiều nước và dùng thuốc làm mềm phân dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Thay đổi 3: Dịch tiết ra nhiều đến mức bạn cần phải mang băng vệ sinh
Dịch tiết sẽ bao gồm máu, chất nhầy và các mô còn sót lại từ âm đạo sau khi bạn sinh; xuất hiện từ 4 đến 6 tuần sau khi sinh con và có thể thay đổi màu sắc theo thời gian. Nó thường chuyển từ một màu đỏ đậm sang màu hồng, rồi cuối cùng thành vàng. Lượng dịch ra nhiều đến mức bạn phải thường xuyên mang thêm băng vệ sinh hoặc tã.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình tiết ra cục máu đông có kích thước hơn hơn trái mận thì nên đi khám bác sĩ. Hoặc nếu dịch tiết đi kèm với mùi hôi khó chịu thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Thay đổi 4: Kinh nguyệt có thể ra nhiều hơn hoặc ít hơn
Có thể bạn sẽ mất một thời gian mới có kinh nguyệt trở lại sau khi sinh con. Nếu bạn tiết dịch có lẫn màu đỏ trong đó thì nó cũng không được tính là kinh nguyệt thực sự. Cơ thể bạn cần thời gian phục hồi sau khi sinh em bé, điều này đặc biệt đúng khi bạn đang cho con bú. Lúc này, lượng estrogen thấp có thể đẩy lùi kỳ kinh.
Nhưng đừng vì thế mà bạn cho rằng trong thời gian cho con bú có thể quan hệ không an toàn. Bạn có thể mang thai ít nhất là 3 tuần sau khi sinh, dù là đang cho con bú và kinh nguyệt vẫn chưa có trở lại.
Khi bạn bắt đầu có kinh trở lại thì “mùa dâu” có thể nặng hoặc nhẹ hơn trước. Nếu lượng estrogen thấp hơn trước khi mang thai thì niêm mạc tử cung có thể mỏng hơn, giúp bạn có kỳ kinh nhẹ hơn. Ngược lại, nếu lượng estrogen cao hơn trước khi mang thai thì lớp niêm mạc tích tụ dày hơn, khiến kỳ kinh nặng hơn.
Thay đổi 5: Âm đạo có thể rộng hơn (hoặc không)
Dù âm đạo và cửa âm đạo thường co lại sau khi kéo căng lúc sinh thường nhưng việc sinh con to, bé có đầu to hoặc sinh thường nhiều lần đều có thể khiến âm đạo khó hồi phục lại tình trạng như trước khi sinh. Kết quả, âm đạo của bạn có thể hơi rộng so với trước đây. Nhưng kết quả này không hẳn xảy ở mọi phụ nữ sinh thường. Bạn cũng có thể thấy cơ âm đạo yếu hơn sau khi sinh.
Giải pháp: Kegel chính là bài tập hữu hiệu giúp cơ âm đạo săn chắc trở lại. Cách thức thực hiện như sau:
+ Xác định cơ sàn chậu: Khi đi tiểu, bạn cố gắng ngừng tiểu giữa chừng. Cơ mà bạn siết chặt để nín tiểu chính là cơ sàn chậu.
+ Tập luyện thường xuyên: Bạn siết cơ như đang nín tiểu và giữ trong 5 giây, sau đó thả ra trong 5 giây. Bạn lặp lại động tác: siết, thả, siết, thả, từ 5 giây lên đến 10 giây, cứ như vậy mỗi ngày tập ít nhất 10 lần.
+ Chỉ siết cơ sàn chậu, đừng làm căng các cơ ở bụng, đùi hoặc mông. Và nhớ là trong lúc siết, bạn hãy hít thở bình thường.

Thay đổi 6: Bạn bị són tiểu
Sinh con có thể tàn phá sàn chậu của bạn. Trong khi đây là cơ quan có chức năng giữ tử cung, bàng quang, ruột ở đúng vị trí để chúng hoạt động bình thường. Sinh con cũng gây ảnh hưởng đến các cơ và dây thần kinh kiểm soát bàng quang và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể).
Tất cả những điều này có thể khiến bạn bị són tiểu vào những thời điểm không thích hợp như khi hắt xì hơi, cười, đi bộ hoặc nhảy.
Giải pháp: Tin tốt là chứng són tiểu này sẽ được cải thiện theo thời gian nếu bạn luyện tập các bài Kegel thường xuyên.
Thay đổi 7: Cảm giác lên đỉnh của bạn có thể thay đổi tùy vào cơ sàn chậu thay đổi như thế nào
Trong khi đạt cực khoái, các cơ của âm đạo và tử cung tạo ra nhiều cơn co thắt một cách nhịp nhàng và mạnh mẽ. Nếu sàn chậu yếu đi do sinh nở, những cơn co thắt đó có thể không còn mạnh mẽ nữa. Vì vậy, bạn sẽ thấy cảm giác lên đỉnh không còn mạnh như trước.
Giải pháp: Một lần nữa, Kegel chính là “bài thuốc” hữu hiệu, giúp cơ sàn chậu săn chắc trở lại, giúp bạn cảm nhận sự mạnh mẽ của các cơ co thắt khi lên đỉnh.
Thay đổi 8: Âm hộ có thể đổi màu
Bạn có thể thấy sau khi sinh, vùng kín trở nên sẫm màu hơn, đặc biệt là xung quanh môi âm hộ và đáy chậu. Sự thay đổi màu sắc này là do nội tiết tố gây ra, đến khi mức độ hormone ổn định thì vùng kín có thể trở lại màu sắc trước đó. Nhưng ngay cả khi không thể trở lại thì vẫn chẳng có vấn đề gì. “Cô bé” của bạn vẫn đẹp và độc nhất vô nhị, bất kể mang màu sắc thế nào!
2. Lầm tưởng về độ khít của âm đạo sau sinh
Sau khi nữ giới “vượt cạn”, ngoài niềm hạnh phúc vô bờ khi bé con của mình chào đời thì còn là nỗi lo về những tổn hại ở vùng kín. Người ta truyền miệng nhau những lời đồn về tình trạng của âm đạo như mất đi độ khít, bên trong nhăn nheo, lỏng lẻo hơn…, khiến bạn thấy tự ti về cơ thể.
Nhưng thực tế cơ thể phụ nữ được tạo ra để mang thai nhưng cũng đồng thời được tạo ra để phục hồi sau khi mang thai. Bạn có thể sẽ thấy “cô bé” khang khác trong những ngày đầu sau sinh khi bạn đang dần hồi phục, nhưng nó sẽ không cản trở trải nghiệm tận tình dục của bạn. Ở một số người, bạn sẽ thấy hiện tượng giãn cơ, và sự dao động hormone làm cảm giác lên đỉnh thay đổi. Nhưng đó chỉ là những vấn đề mang tính tạm thời mà thôi.
Để thêm tự tin hơn vào cơ thể, bạn cần hiểu đúng bản chất của những lời đồn về độ khít của âm đạo sau sinh.
Lời đồn 1: Sinh nở làm tàn phá khả năng đàn hồi của âm đạo
Bất cứ thứ gì bị kéo căng trong thời gian dài đều có thể bị giãn. Nhưng theo Psychology Today, khi âm đạo bị căng ra trong quá trình sinh nở, nó thường khít lại trong vòng 6 tháng [4]. Nếu phụ nữ trải qua nhiều lần sinh thường và lúc già đi, “cô bé” dù cho hồi phục cũng không thể quay trở lại trạng thái như lúc còn “thiếu nữ”.
Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện bằng cách kiên trì tập Kegel mỗi ngày hoặc đi phẫu thuật vùng kín.

Lời đồn 2: Phụ nữ chưa bao giờ có con sẽ “khít” hơn
Dù bạn nghe những lời đồn thổi thế nào thì kích thước âm đạo của phụ nữ nhìn chung là như nhau. Nhà nghiên cứu tình dục Debby Herbenick trong một cuộc phỏng vấn với Men’s Health đã đưa ra các nghiên cứu so sánh những phụ nữ từng sinh con với chưa từng sinh con và phát hiện không có sự khác biệt đáng kể về kích thước âm đạo giữa hai đối tượng này. [5] Vì vậy, nếu sinh con không làm thay đổi vĩnh viễn hình dạng âm đạo thì dương vật cũng như tần suất quan hệ cũng không làm âm đạo rộng ra.
3. Có nên phẫu thuật vùng kín sau khi sinh không?
Khi mang thai, lưu lượng máu tăng lên ở vùng sinh dục dẫn đến môi bé bị sưng. Thường thì sau khi sinh xong, lưu lượng máu trở lại bình thường, môi bé sẽ từ từ phục hồi lại hình dạng ban đầu. Nhưng ở một số người, môi bé vẫn giữ nguyên trạng thái chảy xệ, phì đại hoặc lồi ra ngoài, trông không được đẹp lắm và sinh hoạt cũng trở nên bất tiện.
Lúc này, một số chị em muốn phẫu thuật vùng kín, cụ thể là thu gọn lại phần môi bé nhưng e ngại phẫu thuật có ảnh hưởng không tốt đến vùng kín.
Một trường hợp khác là sau khi sinh thường, âm đạo dù có thời gian hồi phục lại cộng với luyện Kegel thì cũng không được hoàn hảo 100% như lúc chưa sinh. Vì vậy, không ít chị em muốn phẫu thuật vùng kín để thu hẹp âm đạo.
Theo SEBT, có nên phẫu thuật vùng kín sau sinh hay không sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Nếu bạn muốn phẫu thuật để giúp bản thân cảm thấy tự tin hơn, vệ sinh dễ dàng hơn, nâng cao chất lượng đời sống tình dục hơn thì bạn cứ việc nghe theo tiếng gọi trái tim, không có vấn đề gì cả.

Còn nếu bạn thấy cơ thể hiện tại của mình vẫn ổn, môi bé sau khi sinh có hơi to một chút nhưng bạn muốn giữ lại để làm kỷ niệm cho thấy bạn đã thực hiện thiên chức thiêng liêng của phụ nữ thì cũng không sao. Còn âm đạo thì SEBT từng nghe có những bạn trước khi sinh, âm đạo quá chật, bây giờ sau khi sinh, âm đạo trở nên vừa vặn, không quá chật cũng không quá khít nên không cần thiết phải phẫu thuật.
Mỗi người có một hoàn cảnh và tình trạng khác nhau. Vì vậy, đừng bận tâm đến những lời xì xào xung quanh mà hãy cho mình thời gian để suy ngẫm lại xem bản thân thật sự muốn điều gì, phẫu thuật có thật sự cần thiết với mình không.
Cùng nghe thêm câu chuyện và kinh nghiệm đi phẫu thuật vùng kín tại đây:
Nguồn thông tin:
[1] http://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/bacterial-vaginosis-during-pregnancy/
[2] https://medlineplus.gov/ency/article/000892.htm
[4] https://www.psychologytoday.com/blog/all-about-sex/201109/the-rare-truth-about-tight-and-loose-women
[5] http://www.menshealth.com/sex-women/vagina-urban-myths
How Pregnancy Affects Vaginal Health (healthline.com)