Theo thống kê năm 2019 của Bộ Y tế, có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa, và con số này mỗi năm tăng 15% đến 27%. Điều đáng nói ở đây là không chỉ phụ nữ đã lập gia đình mà ngay cả những bạn chưa từng quan hệ tình dục cũng có thể mắc những bệnh này, đặc biệt là viêm âm đạo.

SEBT cũng nhận được rất nhiều tâm sự của các bạn nữ về việc bạn cứ tái đi tái lại tình trạng viêm âm đạo hoặc nhiễm nấm Candida, và không biết làm sao để chấm dứt.

Vì vậy, SEBT tạo ra chuyên đề này nhằm giúp các bạn gái hiểu hơn về vùng “tam giác ngọt” của mình và biết cách chăm sóc sao cho hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm.

SEBT để ý không ít người thường gọi cả vùng “tam giác” bên dưới là âm đạo. Nhưng điều đó chưa đúng. Mọi thứ mà bạn nhìn thấy rõ từ bên ngoài, bao gồm vùng da mỏng có lông mu, môi lớn, môi bé, cửa âm đạo được gọi chung bằng cái tên âm hộ, hoặc cơ quan sinh dục bên ngoài.

Âm hộ cũng bao gồm âm vật (hay còn gọi bằng cái tên dân dã là hột le), lỗ niệu đạo (nơi bạn đi tiểu), đáy chậu, hậu môn.

Nguồn: Bệnh viện Thu Cúc

Còn âm đạo của chúng ta nằm ở đâu? Nó nằm sâu bên trong, mà bạn chỉ có thể cảm nhận bằng cách đưa tay hoặc một vật vào từ cửa âm đạo. Nó là một đường ống kết nối giữa cổ tử cung và âm hộ.

Như vậy, để dễ phân biệt, bạn cứ hiểu âm hộ là những gì bạn thấy được từ bên ngoài, còn âm đạo nằm sâu bên trong mà ta không thể thấy bằng mắt thường.

Cách tự kiểm tra vùng kín 

Chắc hẳn bạn đã nghe nói đến tầm quan trọng của việc tự khám vú tại nhà để phát hiện dấu hiệu ung thư vú sớm. Tự khám vùng kín cũng quan trọng tương tự như vậy. Nó có thể giúp bạn phát hiện những thay đổi bất thường ở vùng chữ Y sớm hơn. Bạn có thể bắt đầu điều trị sớm và nhận kết quả tốt hơn.

Tất nhiên việc tự kiểm tra vùng kín sẽ không chuyên sâu như đi bác sĩ khám phụ khoa. Bạn vẫn nên khám phụ khoa định kỳ 3 hoặc 6 tháng 1 lần để kiểm tra u nang buồng trứng, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), u xơ tử cung, ung thư giai đoạn đầu và các dấu hiệu sức khỏe khác.

Nhưng việc tự kiểm tra vùng kín có thể giúp bạn sớm tìm ra các dấu hiệu của STIs, hoặc những thay đổi ở âm hộ có thể cảnh báo các vấn đề sức khỏe khác. Các đốm, vết loét hoặc vết sưng tấy có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư âm hộ và cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.

Nên tự kiểm tra vùng kín khi nào?

Bạn có thể kiểm tra vào mọi lúc nhưng tốt nhất là khi đã hết kinh nguyệt. Ngoài ra, bạn không được sử dụng bất kỳ loại kem/gel phụ khoa và không thụt rửa ít nhất 24 giờ trước khi làm kiểm tra.

Các dụng cụ cần chuẩn bị:

1. Một chiếc gương nhỏ loại cầm tay.

2. Đèn pin hoặc đèn điện thoại.

3. Sơ đồ chi tiết về cơ quan sinh dục của nữ (để bạn biết mình đang kiểm tra phần nào).

4. Gối và khăn tắm.

5. Móng tay cắt sạch sẽ hoặc bạn đeo găng tay vô trùng.

Cách thực hiện

Đầu tiên, bạn cởi quần rồi ngồi trên giường hoặc trải khăn trên sàn, dựa vào tường và tựa lưng bằng gối. Sau đó dang rộng hai chân và thả lỏng cơ thể ở tư thế sao cho thấy thoải mái nhất.

Bạn bắt đầu dùng gương và đèn pin để kiểm tra từng bộ phận của âm hộ: âm vật, môi lớn, môi bé. Ghi lại màu sắc và kích thước của mỗi cái. Vì nếu làm như vậy, bạn sẽ dễ nhận biết được các thay đổi trong những lần kiểm tra tiếp theo. Có thể bạn sẽ cần kéo nhẹ âm vật về phía sau. Bạn cũng có thể phải vạt phần lông mu để nhìn rõ khu vực này xem có vết mụn đỏ hay dấu hiệu bất thường nào không.

*Một lưu ý nhỏ là hình dạng môi bé, môi lớn sẽ khác nhau ở mỗi phụ nữ. Một số ngắn, một số dài và rất hiếm khi chúng có cùng độ dài. Tất cả hình dạng đều bình thường.

[TELEHEALTH 3] Một Tiếng Kể Hết Về “Cô Bé” | CCS | SEBT – YouTube

Sau đó, bạn hãy nhẹ nhàng mở rộng môi bé và điều chỉnh ánh sáng sao cho có thể nhìn vào trong âm đạo. Ấn tượng đầu tiên là âm đạo có màu hơi hồng. Nếu bạn cảm thấy thoải mái, hãy đặt ngón tay vào bên trong âm đạo và cảm nhận dọc theo thành âm đạo. Nếu bạn đẩy ngón tay xa một chút, bạn có thể thấy được cổ tử cung của mình. 

Vậy là xong quá trình tự kiểm tra vùng kín.

SEBT khuyên bạn nên tự kiểm tra 1 hoặc 2 tháng 1 lần. Bạn nên quen thuộc với âm hộ và âm đạo ở mức độ đủ để nhận ra bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào. 

Khi bạn đã biết cách tự kiểm tra vùng “tam giác ngọt”, bạn có thể sẽ thắc mắc vậy cô bé khỏe mạnh sẽ trông như thế nào. 

Âm đạo là một hệ sinh thái, nơi có các vi khuẩn lành mạnh (một số có lợi, một số có hại) và nấm men cùng sinh sống. Điều quan trọng là phải duy trì sự cân bằng của những “bạn” này để tránh bị nhiễm trùng âm đạo.

Độ pH bình thường của âm đạo có tính axit, khoảng từ 3.8 đến 4.5. Nếu là tự kiểm tra, bạn không cần phải mua dụng cụ để đo độ pH mà cần nắm được rằng một khi sự cân bằng ở âm đạo bị phá vỡ, nó sẽ dẫn đến có mùi hoặc tiết dịch bất thường. Có những triệu chứng này là cách âm đạo cho bạn biết độ pH đang mất cân bằng. 

Như vậy, khi nói đến một “cô bé” khỏe mạnh, bạn cần chú ý đến 4 yếu tố chính: vẻ ngoài, mùi, dịch tiết và cảm giác.

Vẻ ngoài

Khi bạn tách môi bé để nhìn vào bên trong âm đạo, một âm đạo khỏe mạnh sẽ có niêm mạc hồng hào, đầy đặn, độ ẩm tốt và một lượng dịch tiết nhỏ không có mùi khó chịu và có màu như lòng trắng trứng gà.

Mùi

Âm đạo khỏe mạnh sẽ không mùi hoặc có mùi nhẹ (thường là mùi tự nhiên của cơ thể). Mùi hương có thể mạnh hơn vào những thời điểm nhất định như sau khi quan hệ tình dục, sau khi tập thể dục, trong hoặc sau kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt trong kỳ “rụng dâu”, âm đạo sẽ có mùi hơi giống kim loại, rỉ sét.

Dịch tiết

Dịch âm đạo bình thường có màu trong hoặc trắng đục, không gây khó chịu, cũng không có mùi hôi tanh. Độ đặc của dịch tiết sẽ thay đổi tùy thuộc vào thời điểm trong chu kỳ kinh nguyệt. Nó bình thường có thể trong suốt và loãng, cũng có thể đặc hơn và dễ co giãn hơn khi gần đến kỳ kinh.

Cảm giác

Âm hộ và âm đạo không nên có những cơn đau dù là khi tự kiểm tra, đụng chạm thông thường hay quan hệ với bạn tình (trừ trường hợp đó là lần đầu bạn ăn “trái cấm”). 

Ngoài ra, bạn có thể sẽ thấy một chút ngứa ngáy, kích ứng hoặc tiết dịch nhiều hơn (dịch ngả vàng); nhưng sau đó mấy ngày thì kỳ kinh đến, rồi các triệu chứng biến mất. Tình hình này lặp lại mỗi khi gần đến kỳ kinh. Bạn đi khám phụ khoa nhưng bác sĩ bảo không có vấn đề gì. 

Như vậy, những triệu chứng mang tính chu kỳ và xảy ra khi gần đến kinh nguyệt như trên là do có sự thay đổi nội tiết tố. Lúc này, âm đạo đang cố gắng tự làm sạch và sẽ điều chỉnh lại sau khi hết kỳ kinh nguyệt. Nên bạn không cần phải quá lo lắng. 

Như vậy, bạn đã biết được “cô bé” khi khỏe mạnh sẽ trông như thế nào. Tiếp theo, bạn cần nhận biết được dấu hiệu nào cho thấy “cô bé” đang gặp vấn đề và cần phải đi khám ngay.

Vẻ ngoài

Việc xem xét vẻ ngoài âm hộ và âm đạo có thể giúp bạn nhận biết dấu hiệu của bệnh STIs. Ví dụ nếu bạn thấy xuất hiện vết loét thì có thể đó là triệu chứng của giang mai hoặc mụn rộp. Còn cụ thể các triệu chứng của STIs thế nào thì sẽ được SEBT minh họa chi tiết trong cuốn ebook “STIs có gì sai?” sẽ phát hành trong thời gian tới. 

Mùi

Khi “cô bé” đang gặp vấn đề, sự cân bằng pH bị phá vỡ thì sẽ sinh ra những mùi khó chịu như mùi tanh của cá, mùi chua lên men, mùi hôi nặng, mùi giống xác chết… 

Về cách phân biệt mùi cô bé, mời bạn xem chị Trang hướng dẫn chi tiết ở video này:

Dịch tiết

Khi không khỏe, cô bé sẽ tiết ra các dịch có màu sắc khác thường như vàng, xanh lá cây, xám hoặc dịch ra rất nhiều, vón cục, đặc như kem. Cụ thể thì mời bạn xem video dưới đây:

Cảm giác

Nếu trong lúc sinh hoạt (đi vệ sinh, quan hệ tình dục), bạn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, đau rát ở vùng kín liên tục và dai dẳng thì đó là dấu hiệu cho thấy cô bé đang cầu cứu.

Lưu ý: Một triệu chứng không làm nên một bệnh. Nếu bạn thấy xuất hiện từ 2 triệu chứng kể trên, hãy đặt lịch hẹn đi khám phụ khoa ngay lập tức.

Bạn đã biết cách tự kiểm tra âm đạo, hiểu được đâu là một cô bé khỏe mạnh và dấu hiệu nào cho thấy cô bé đang có vấn đề. 

Tiếp theo, SEBT sẽ liệt kê những thói quen sinh hoạt vô tình gây tổn thương đến cô bé. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng nữ giới mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa nhiều như vậy.

Bạn tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt

Chế độ ăn giàu carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như đường trắng, bột mì trắng, gạo trắng, đồ ngọt có đường như bánh quy, bánh ngọt và kẹo đã khiến không ít phụ nữ gặp phải các tình trạng như ngứa ngáy âm đạo, có mùi khó chịu và nhiều triệu chứng điển hình khác của nhiễm trùng nấm men.

Lý do vì lượng đường trong máu cao có thể làm mất cân bằng độ pH trong âm đạo, tạo điều kiện cho nấm men sinh sôi phát triển. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân mà tình trạng nhiễm trùng nấm men bị tái phát thường phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. 

Lượng đường trong máu cao cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Nữ giới có hệ thống miễn dịch suy yếu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men hơn vì cơ thể lúc này cũng không còn đủ sức chống lại sự phát triển của nấm men được nữa.

Bạn tập thể dục xong nhưng không thay quần áo ướt ngay

Một vài cô gái có thói quen sau khi chạy bộ hoặc tập thể dục xong là tạt đi mua đồ hoặc làm việc này việc kia chứ không thay đồ ngay. Nhưng bạn có biết càng chần chừ không thay quần áo ướt đẫm mồ hôi, âm đạo của bạn càng phải chịu môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện hoàn hảo cho nấm men phát triển không? 

Bạn hay thức khuya

Bạn có phải là cú đêm chính hiệu? Bạn thường nằm lướt Facebook, TikTok đến nửa đêm? Việc bạn thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của mình. Một khi hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể sẽ không còn đủ khỏe mạnh để chống chọi với các bệnh nhiễm trùng, bao gồm nhiễm trùng nấm men.

Trên thực tế, bất kỳ thói quen sinh hoạt nào ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn – ăn uống thiếu chất, thường xuyên căng thẳng, lười tập thể dục – đều tàn phá khả năng phòng vệ của cơ thể.

Bạn thường mặc quần bó 

Các loại quần bó như skinny jean, legging, quần tất hay thậm chí là quần lót không làm từ cotton khiến cho âm đạo bị “nghẹt thở”. Môi trường tăm tối, chật hẹp, ẩm ướt đều là nơi mà nấm men ưa chuộng. Nếu bạn thường dành cả ngày để mặc những loại quần bó trên thì có thể vô tình khiến “cô bé” bị bọn nấm men gây khó dễ.

Bạn quan hệ tình dục nhưng không dùng bao cao su

Nữ giới mắc bệnh phụ khoa, ngoài viêm âm đạo, nhiễm trùng nấm men thì còn có các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs). Việc quan hệ mà không dùng bao cao su, đặc biệt khi bạn chưa biết tình trạng sức khỏe của đối phương có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm STIs. 

Bạn vệ sinh vùng kín không đúng cách

Không ít cô gái có thói quen dùng luôn sữa tắm để vệ sinh vùng kín. Điều này vô tình làm “cô bé” bị tổn thương vì làn da ở vùng này vô cùng nhạy cảm so với các vùng còn lại trên cơ thể. Sản phẩm dùng được cho các vùng da ngực, lưng, mông (như sữa tắm) nhưng sẽ không an toàn cho vùng kín. 

Chưa kể nhiều bạn có thói quen thụt rửa âm đạo bằng nước vì cho rằng như vậy sẽ đẩy hết mọi vi khuẩn, chất dịch ra khỏi cơ thể.

Đây là quan niệm sai lầm vì việc thụt rửa sẽ chỉ càng đẩy vi khuẩn vào sâu bên trong âm đạo, lên đến cổ tử cung. Đồng thời nó làm mất cân bằng pH của môi trường bên trong. Hậu quả là bạn dễ bị viêm nhiễm vùng kín.

Bạn đang dùng thuốc

Nhiễm trùng nấm men là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất mà nữ giới gặp phải do dùng một số loại thuốc theo toa, bao gồm thuốc tránh thai hàng ngày, thuốc kháng sinh và steroid.

Thuốc tránh thai hàng ngày làm tăng nồng độ estrogen, có thể tạo điều kiện để phát triển nấm men. 

Đối với thuốc kháng sinh, nó sẽ tiêu diệt vi khuẩn có thể gây bệnh, nhưng cũng đồng thời diệt luôn cả vi khuẩn “thân thiện”, có đặc tính kháng nấm, như vậy lại vô tình làm nấm men phát triển. Còn steroid có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm men vì chúng làm giảm khả năng phòng thủ miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Một số bạn than thở với SEBT rằng bạn bị bệnh phụ khoa, đã đi khám nhưng cứ tái đi tái lại dù vệ sinh kỹ lưỡng. 

Thực chất cơ thể mỗi người đều khác nhau, vì vậy những thứ gây viêm âm đạo đối với người này không phải lúc nào cũng là tác nhân gây ra vấn đề tương tự với người khác.

Nhưng nhìn chung, bất cứ điều gì làm thay đổi sự cân bằng pH bên trong âm đạo đề có thể dẫn đến viêm nhiễm.

Vì vậy SEBT sẽ gợi ý một vài cách chăm sóc cô bé dưới đây để tránh (tái) viêm nhiễm phụ khoa. Bạn lần lượt thử áp dụng để tìm ra cách phù hợp với mình nhất nhé.

Mặc quần áo phù hợp

Như SEBT đã nhắc đến ở phần trên, loại quần bó sát dễ tạo môi trường cho nấm men phát triển. Vì vậy bạn cần lưu ý khi chọn trang phục trong sinh hoạt hàng ngày như sau:

+ Nên chọn đồ lót bằng cotton, lụa hoặc loại sợi tự nhiên giúp hút ẩm và giữ vùng kín luôn khô thoáng.

+ Khi tập thể dục hoặc đi bơi về, bạn nên thay quần áo khô càng sớm càng tốt.

+ Nếu bắt buộc phải mặc quần bó, hãy hạn chế thời gian mặc hoặc chuẩn bị hai chiếc quần để thay, giữ vùng đũng quần luôn khô ráo.

+ Nếu bạn mặc quần tất, hãy chọn loại có đáy quần làm bằng vải cotton và mặc quần lót cũng bằng cotton.

+ Tránh mặc đồ ngủ bó sát, tốt hơn là bạn nên mặc chiếc váy ngủ rộng rãi. Và không mặc quần lót khi ngủ. Điều này sẽ giúp “cô bé” được thở, giữ vùng kín khô thoáng và ngăn ngừa nấm men phát triển.

+ Nếu bạn tiết dịch nhiều hoặc vận động đổ mồ hôi nhiều trong ngày, hãy thay quần lót ít nhất 2 lần.

+ Bạn hãy mua quần lót mới mỗi 6 tháng 1 lần.

Vệ sinh “cô bé” đúng cách

Viêm nhiễm cũng bắt nguồn từ một yếu tố mà ít ai nhận ra: nguồn nước. Nếu nguồn nước không sạch thì dù bạn vệ sinh đúng cách và cẩn thận thế nào thì vẫn có nguy cơ vùng kín bị nhiễm trùng.

Do đó, khi bạn đi chơi hoặc đi công tác ở một vùng mà không biết rõ chất lượng nguồn nước thế nào thì sau khi vệ sinh xong, hãy dùng khăn giấy ướt có độ pH trung tính, không mùi và khăn giấy khô không mùi để lau rửa “cô bé”. Trước khi đi ngủ, bạn lấy nước uống đóng chai để vệ sinh cô bé lần nữa.

Tiếp theo là khi tắm, bạn nhớ rửa sạch cả các nếp gấp ở môi bé – đây cũng là nơi tích tụ vi khuẩn mà chúng ta hay bỏ qua khi vệ sinh. 

Mỗi lần đi tiểu, bạn lấy khăn giấy khô lau cẩn thận từ trước ra sau để tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo.

Bạn sử dụng các sản phẩm chuyên dùng để vệ sinh vùng kín như nước rửa dịu nhẹ, nước làm sạch sâu, gel dưỡng ẩm… Chú ý là chọn sản phẩm có thành phần lành tính, an toàn cho vùng da nhạy cảm.

Nếu bạn không biết tìm mua sản phẩm nào thì SEBT gợi ý một vài sản phẩm đáng tin cậy mà SEBT đã dùng và thấy hiệu quả:

1. Dung dịch vệ sinh phụ nữ Foellie Capsule Femenine Wash. Điểm đặc biệt của sản phẩm này là làm từ các viên capsule, giúp làn da “cô bé” sạch kiểu mềm mịn, giữ ẩm chứ không khô kin kít.

2. Gel làm sạch Mismiz Inner Refreshing Wash. Đây là loại gel mà bạn có thể làm sạch sâu bên trong âm đạo. Sản phẩm có đến 99% thành phần tự nhiên nên hoàn toàn an toàn cho “cô bé”, lại còn giúp duy trì độ cân bằng pH, hạn chế và ngăn ngừa viêm nhiễm.

3. Làm sạch – Dưỡng ẩm – Cân bằng độ pH Yzone Foellie Multi Care Gel. Đây là loại gel có tác dụng dưỡng ẩm, giúp làn da “cô bé” luôn mềm mịn, cải thiện tình trạng khô da, giúp loại bỏ mùi khó chịu và cân bằng độ pH.

Sau khi tắm xong, bạn cần lau khô toàn bộ vùng kín bằng khăn sạch vì nấm men phát triển mạnh nhất là trong môi trường ẩm ướt.

Ngoài ra, bạn tránh dùng băng vệ sinh hoặc tampon có mùi thơm; giấy vệ sinh có màu. Vì những sản phẩm này đều có thể gây kích ứng cho vùng da cô bé.

Để bạn dễ nhớ thì SEBT sẽ tóm tắt 3 bước tươi trẻ Yzone như sau:

Bạn có thể theo dõi fanpage YCARE để tìm hiểu các kiến thức chăm sóc vùng chữ Y >> YCARE | Facebook

Cẩn thận khi dùng thuốc

Bạn hãy để ý nếu đang dùng một loại thuốc nào đó, bạn bị viêm âm đạo, dù đã chữa một lần nhưng vẫn tái đi tái lại thì hãy nói chuyện với bác sĩ xem nguyên nhân có phải là do loại thuốc bạn đang dùng không. Bác sĩ có thể sẽ đổi cho bạn một đơn thuốc khác.  

Ngoài ra, sử dụng thuốc kháng sinh có liên quan đến việc bị tái nhiễm trùng nấm men vì loại thuốc này có thể giết chết vi khuẩn có lợi trong cơ thể, khiến nấm men Candida dễ dàng sinh sôi. Nên bạn tránh dùng thuốc kháng sinh nếu không cần thiết.

Duy trì lối sống lành mạnh

Dựa theo các thói quen sinh hoạt dễ làm cô bé viêm nhiễm mà SEBT kể trên, bạn có thể thấy một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể kiểm soát nấm men, giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Vì vậy, bạn cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh như ngủ đủ giấc, tránh uống quá nhiều đồ có caffein và không ăn đồ nhiều chất béo trong vòng 3 giờ trước khi ngủ. Nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng, mệt mỏi, hãy thử tập thể dục, thiền, yoga.

Ngoài ra, nếu bạn đang bị tiểu đường thì việc kiểm soát lượng đường trong máu cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men. Bởi đường chính là nguồn thức ăn chính cho nấm men. [1] [2]

Probiotics có thể giúp ích trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men

Nhiều người cho rằng Probiotics – một loại vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa, trên da và một số vùng khác của cơ thể sẽ giúp cân bằng lại hệ vi khuẩn và ngăn ngừa nấm men phát triển.

Hiện tại vẫn thiếu bằng chứng khoa học khẳng định quan điểm này. Nhưng SEBT thấy bạn có thể thử bổ sung Probiotics vào trong chế độ ăn hằng ngày để xem hiệu quả thế nào. Nó thường có trong sữa chua, kombucha, yakult, bắp cải, đậu nành lên men (natto)…

Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục

Bao cao su là biện pháp duy nhất vừa tránh thai vừa phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Vì vậy, bạn nên sử dụng nó cho mỗi lần quan hệ, đặc biệt với người mới quen biết.

Nếu hai bạn đang trong mối quan hệ lâu dài thì có thể cân nhắc sử dụng biện pháp tránh thai khác nhưng phải đi kèm với chuyện khám STIs định kỳ 6 tháng 1 lần.

Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần

Nhiều bạn gái rất ít đi khám phụ khoa, chủ yếu chỉ khi nào thấy có vấn đề bất thường ở “cô bé” thì mới đến bệnh viện. SEBT khuyên là không nên để có bệnh mới khám vì như vậy sẽ dễ dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị muộn các bệnh phụ khoa, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau.

Vì vậy, bạn cần tập thói quen khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần. Với những ai chưa từng quan hệ thì có thể là 1 năm 1 lần. 

Bạn không nên đi khám khi đang hành kinh mà để sau khi sạch kinh từ 3 đến 5 ngày. Ngoài ra, trước khi khám, bạn tránh quan hệ tình dục, không sử dụng dung dịch vệ sinh hay các sản phẩm chăm sóc vùng kín.

Chăm sóc cô bé đúng cách để không bị viêm nhiễm là chưa đủ. Bạn còn cần tập thể dục cho cô bé để làm săn chắc, giữ tính đàn hồi tốt và hưởng nhiều lợi ích khác.

Ví dụ sau khi sinh con hoặc vào thời kỳ mãn kinh, cô bé của bạn có thể mất tính đàn hồi và không còn thấy khít như trước. Ngoài ra, vì những yếu tố này, bạn nữ có thể bị rò rỉ nước tiểu và gặp các vấn đề trong chuyện giường chiếu như mất nhạy cảm hoặc giảm cực khoái.

Chắc chắn chúng ta không thể sử dụng cỗ máy thời gian của Doraemon để quay về quá khứ, tìm lại “thanh xuân”. Nhưng bạn có thể tập thể dục cho “cô bé” ngay từ bây giờ để giảm thiểu tình trạng “lão hóa” về sau.

Dưới đây là các bài tập mà bạn có thể tham khảo:

Kegel

Một trong những bài tập nổi tiếng giúp làm săn chắc cô bé là Kegel. 

Để thực hiện động tác này, trước tiên bạn cần xác định đâu là cơ sẽ được dùng trong Kegel. Buổi sáng sau khi thức dậy và vào nhà vệ sinh, bạn đi tiểu được nửa chừng rồi hãy cố gắng ngừng lại dòng chảy. Cơ mà bạn siết lại để nín tiểu chính là cơ sẽ dùng khi tập Kegel.

Rồi trong lúc tập, bạn siết cơ ấy khoảng 10 giây rồi thả ra trong 10 giây. Bạn lặp lại động tác trong 10 hiệp và thực hiện từ 2 đến 3 lần vào các thời điểm khác nhau trong ngày.

Lưu ý, bạn đừng tập Kegel khi đi tiểu, vì nó có thể làm suy yếu cơ âm đạo và gây hại cho thận theo thời gian. Tốt nhất là hãy tập khi bàng quang đang trống nhé.

Squat

Squat ngoài tác dụng làm căng tròn vòng 3, nó còn giúp săn chắc vùng cơ âm đạo.

Để tập squat hiệu quả, bạn hãy đứng thẳng với hai chân ngang vai.

Sau đó hạ người xuống đến khi mông ngang với đầu gối.

Tiếp theo bạn dùng cả hai chân đẩy người lên để trở về tư thế ban đầu.

Bạn lặp lại động tác này trong 20 lần.

Nếu sức khỏe tốt, bạn hãy tập ít nhất 3 hiệp nhé.

Glute Bridges (Tư thế cây cầu)

Bài tập này vừa giúp săn chắc âm đạo vừa tăng cường sức mạnh cho các cơ cốt lõi và mông.

Đầu tiên bạn nằm xuống sàn và co hai chân lên.

Sau đó bạn từ từ nâng phần hông lên đồng thời siết chặt cơ mông.

Tiếp theo bạn nâng toàn bộ phần lưng lên, vai vẫn nằm trên sàn sao cho đầu gối, lưng đến vai tạo thành một đường thẳng giống cây cầu bắt từ đầu gối đến vai. 

Bạn nhẹ nhàng trở lại tư thế ban đầu.

Bạn lặp lại động tác 15 lần trong 1 hiệp.

Các bài tập kể trên rất tốt cho cô bé nhưng thường bạn phải mất khá nhiều thời gian mới thấy được thành quả. 

Vì vậy, bạn hãy kiên nhẫn, dành ra ít nhất 15 phút mỗi ngày để duy trì tập luyện một cách đều đặn và nhất quán nhé!

Nguồn thông tin trong bài:

[1] Goncalves et al. “Vulvovaginal candidiasis: Epidemiology, microbiology and risk factors.” Critical Reviews in Microbiology. November 2016.

[2] Yeast infection (vaginal), Mayo Clinic.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top