Chứng bức bối về giới là gì?
Theo DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), những người mà giới tính sinh học của họ không trùng khớp với giới tính mà họ mong muốn thì sẽ được chuẩn đoán có “Bức bối về giới” – Gender Dysphoria (GD) – chứng khó chịu, bức bối với cơ thể sinh học của mình vì bản dạng giới mình khác với giới tính sinh ra, thường chúng ta hay gọi chung là người chuyển giới.
Chứng bức bối về giới không giống hay liên quan đến xu hướng tính dục đồng tính.
Người được chẩn đoán có Bức bối về giới sẽ có sự khác biệt giữa giới tính sinh học của họ và cách mà cá nhân đó thể hiện mình hoặc trải nghiệm bản thân như một giới ngược lại, và điều này sẽ diễn ra liên tục trong ít nhất 6 tháng. Ở trẻ em, vì không có xu hướng tự giấu mình như người lớn, mong muốn được là giới khác thể hiện rất rõ qua cử chi, hành vi, và lời nói của trẻ, trẻ có thể sẽ nói rằng trẻ luôn mong muốn hay khao khát được ở giới đối lập với giới tính sinh học của mình. . Ở trẻ em, vì không có xu hướng tự giấu mình như người lớn, mong muốn được là giới khác thể hiện rất rõ qua cử chi, hành vi, và lời nói của trẻ, trẻ có thể sẽ nói rằng trẻ luôn mong muốn hay khao khát được ở giới đối lập với giới tính sinh học của mình. Tình trạng “bức bối về giới” để kéo dài sẽ gây ra chứng trầm cảm về giới, hệ quả có thể dẫn đến cảm thấy cô đơn, nhạy cảm, dễ tổn thương, gặp khó khăn với các mối quan hệ trong xã hội, nghề nghiệp hoặc những hành vi trong cuộc sống khác.
Bức bối về giới có rất nhiều mức độ khác nhau, từ là việc có mong muốn được đối xử như giới tính họ mong muốn, hay việc muốn loại bỏ hết các đặc điểm sinh học của giới tính khai sinh, hay có khi chính bản thân cá nhân tự áp đặt luôn cả vai trò của giới đối lập lên mình. Chẩn đoán của DSM-5 đã làm rõ thêm mục Post-transition – chỉ những người đang sống hoàn toàn như giới tính họ mong muốn (từ các thể hiện giới, vai trò giới hay phân công lao động giới) dù đã có can thiệp của y tế hay pháp luật hay không. Việc làm rõ hơn này sẽ đảm bảo hơn cho cá nhân trong việc nếu người đó muốn tiếp cận tư vấn tâm lí hay hỗ trợ quá trình định giới, dùng hóc-môn, hay phẫu thuật định giới.
Vì GD có nhiều mức độ cao thấp khác nhau nên có những người khi họ thấy bức bối thấp hoặc không có bức bối giới, họ có thể sẽ không có nhu cầu muốn can thiệp y tế, hoocmon hay phẫu thuật, chỉ cần có thể hiện giới là nam thế là đủ, vì vậy một người là chuyển giới nam không nhất thiết họ đã có can thiệp y tế, chỉ cần bản thân họ cảm thấy họ là một người nam, thế là đủ.
Tại sao nói bức bối về giới không phải là một chẩn đoán bệnh tâm lí hay tâm thần?
Trong lần tái bản thứ năm của Diagnostic and Satistical Manual of Mental Disorders – Bảng Thống Kê và Chẩn Đoán Các Vấn Đề Tâm Lý (DSM-5) thì những người mà giới tính sinh học của họ không trùng khớp với giới tính mà họ mong muốn thì sẽ được chuẩn đoán có “Bức bối về giới”.
DSM-5 lần tái bản mới nhằm mục đích hướng đến tránh sự kì thị và đảm bảo sự chăm sóc toàn diện đến tất cả cá nhân những người mà họ cảm thấy giới tính của họ muốn khác biệt với giới tính khi họ được sinh ra. Chẩn đoán của DSM-5 trước đó được gọi là Gender Identity Disorder (*rối loạn bản dạng giới), nhưng đã được thay đổi thành Gender Dysphoria (bức bối về giới), đồng thời làm rõ sự quan trọng trong mục đích chống kì thị hơn, thay đổi hoàn toàn cái nhìn về nó. Một trong những điều rất quan trọng khi thay đổi tên như vậy là do DSM-5 muốn nhấn mạnh rằng, Bức bối về giới không phải là một chứng bệnh, rối loạn nào về tâm lí hay tâm thần, đồng thời cũng nhân rộng phạm vi ảnh hưởng có cả trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.
Những cá nhân đã và đang trải qua Bức bối về giới có thể sẽ cần những trợ giúp như tư vấn, dùng hoocmon, phẫu thuật định hình giới, một số thay đổi về mặt xã hội hay pháp lí để phù hợp với giới tính mong muốn.
Để có được hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi trả toàn bộ chi phí can thiệp y tế như trên thì cá nhân cần một chẩn đoán bệnh nào đó. Hội The Sexual and Gender Identity Disorders Work Group đã lo ngại về việc nếu thay đổi tên không còn là một chẩn đoán bệnh tâm lí hay tâm thần thì sẽ gây khó khăn cho việc nhận bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí.
Tuy nhiên, một trong những việc có thể đẩy lùi được sự kì thị đến tối đa là sử dụng đúng từ ngữ.
Thay thế từ “rối loạn” thành “bức bối” trong cái nhãn chẩn đoán không chỉ giúp nghe nó phù hợp, thuận tai hơn, nhất quán hơn với các thuật ngữ lâm sàng quen thuộc, mà nó còn giúp cho người được chẩn đoán cảm thấy yên tâm hơn, tránh bị kì thị chỉ vì nhãn “rối loạn tâm lí” hay tâm thần.
Nguồn: www.edgemedianetwork.com
DSM-5 đã có hẳn một chương riêng cho Gender Dysphoria, và nó hoàn toàn tách biệt không liên quan đến phần Sexual Dysfunctions (Tình dục Dị thường) và Paraphilic Disorders (Các chứng rối loạn, lệch lạc về tình dục).
Nói chung, sự thay đổi từ ngữ về chứng Bức bối giới của DSM-5 một phần do tôn trọng danh tính một cá nhân nào đó bằng cách đưa ra một tên chẩn đoán phù hợp hơn với các cách nhận biết chứng, hành vi mà họ trải nghiệm mà không bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến họ trong quá trình tư vấn, tránh sự kì thị và giảm thiểu tiêu cực cho người được tư vấn.
Bức bối giới ở thời điểm hiện tại
Vào ngày 18/06/2018, Tổ chức y tế thế giới WHO đã cho ra mắt ICD-11 (International Classification Diseases – tạm dịch: Bảng phân loại quốc tế bệnh tật). ICD-11 đã được trình bày tại Đại hội đồng Y tế Thế giới VÀ ĐÃ ĐƯỢC THÔNG QUA vào 25 tháng 5 năm 2019 bởi các Quốc gia thành viên và sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.
Trong đó, tất cả những mục liên quan đến chuyển giới đều đã bị loại bỏ ra khỏi chương rối loạn tâm trí và hành vi (mục F64: rối loạn bản dạng giới). Cùng lúc đó cho ra mắt những mục hoàn toàn mới dành riêng cho chuyển giới: Không hợp giới ở tuổi vị thành niên và thanh niên; và Không hợp giới ở trẻ em – Gender incongruence of adolescence and adulthood (6A50) and Gender incongruence of childhood (6A51). Những mục này nằm trong một chương mới hoàn toàn tách biệt với rối loạn: Chương 17 – Những điều kiện về sức khỏe tình dục (Conditions related to sexual health).
ICD là nền tảng cho việc xác định các xu hướng và thống kê về sức khỏe trên toàn thế giới, bao gồm khoảng 55.000 mã riêng biệt phân loại các thương tích, bệnh tật và nguyên nhân gây tử vong. ICD cung cấp một ngôn ngữ chung cho phép các chuyên gia y tế chia sẻ thông tin sức khỏe trên phạm vi toàn cầu.
ICD-11, được soạn thảo trong hơn một thập kỷ, có nhiều cải tiến đáng lưu ý so với các phiên bản trước. Lần đầu tiên, ICD được trình bày số hóa hoàn toàn, với định dạng thân thiện với người dùng hơn. ICD-11 có đóng góp của nhiều nhân viên y tế với kinh nghiệm tham gia các hội thảo kết hợp (collaborative meeting) và đệ trình các đề xuất, điều không có trong công tác xây dựng các phiên bản trước đây. Hơn 10.000 đề xuất sửa đổi là con số mà nhóm làm việc về ICD tại trụ sở WHO đã nhận được trong quá trình này.
ICD-11 cũng bao gồm một số chương mới, về sức khỏe tình dục (sexual health) tập hợp các trường hợp mà trước đây được phân loại theo những cách thức khác (điển hình: Không hợp giới (gender incongruence)), trước đây được liệt kê vào mục sức khỏe tinh thần) hoặc được mô tả khác.
Bản phát hành này cho phép các quốc gia hoạch định chính sách sử dụng phiên bản ICD mới, tiến hành dịch thuật và đào tạo chuyên gia y tế trên toàn quốc. WHO sẽ hỗ trợ các quốc gia trong quá trình vận dụng ICD-11.
Từ đây, WHO đã khẳng định rằng là người chuyển giới hoặc đa dạng giới không hề liên quan đến việc bạn có rối loạn tâm lí. Bắt đầu từ ngày hôm nay, những lý thuyết cố gắng bệnh hóa, thể chế hóa hay triệt sản người chuyển giới sẽ không còn dựa vào WHO để biện luận được nữa.
Điều này cũng phù hợp ở cộng đồng người chuyển giới ở thời điểm hiện tại, khi ngày càng có nhiều người công khai mình là người chuyển giới, nhưng không có mong muốn thay đổi hay can thiệp y tế, vì họ đã đủ hài lòng với cơ thể của mình.
Người chuyển giới không nhất thiết phải có bức bối giới, họ chỉ cần nghĩ mình là một người nam (nếu sinh ra là nữ) thì họ đã là chuyển giới nam, họ nghĩ mình là một người nữ (nếu sinh ra là nam) thì họ đã là người chuyển giới nữ. Việc can thiệp y học chỉ là một bước, một nhu cầu trong cả quá trình của họ mà thôi.
——————————————————
*Bài viết được viết dựa trên thông tin dữ liệu của DSM-5 thuộc APA, và ICD-11 thuộc WHO.
*Rối loạn không phải là bệnh. “Disorder is not mental illness” – theo WHO, ICD-10.
Dịch và biên tập:
W.
Cáo (https://www.facebook.com/fox.an.mnt)
FTM Vietnam Organization (https://www.facebook.com/ftm.vietnam/)
Nguồn:
WPATH
DSM-5 fact sheet
http://www.dsm5.org/
APP – American Psychiatric Publishing – A division of APA
APA – American Psychiatric Association
www.psychiatry.org
www.healthyminds.org
Mauro Cabral Grinspan
https://tgeu.org/who-publishes-icd-11-beta/ http://www.who.int/…/17-06-2018-who-releases-new-internatio…
http://time.com/…/world-health-organization-transgender-i…/…