1. Xác định rõ mối quan hệ giữa hai bạn là loại tình cảm gì?
Tình yêu phải được cấu thành từ ba yếu tố: thân mật – đam mê – cam kết. Nếu chỉ có yếu tố thân mật, tình cảm đó chỉ là tình bạn với sự gần gũi và tin tưởng lẫn nhau. Trong mối quan hệ chỉ có yếu tố đam mê, điểm hấp dẫn giữa cả hai là yếu tố ngoại hình và tình dục, thường phát triển mạnh trong mối tình fwb hay ons. Nếu tình yêu chỉ tồn tại sự cam kết, đây là chuyện tình do mai mối do môn đăng hộ đối, do sự sắp đặt hay thúc giục từ phía gia đình. Tình yêu và sự rung động không được coi trọng trong mối quan hệ này. Vì vậy, tại thời điểm tiền hôn nhân, bạn phải xác định rõ cả hai đã có đủ 3 yếu tố tiên quyết kia chưa, về liều lượng có thể linh động thay đổi nhưng cần có sự cân bằng, không chênh lệch quá nhiều giữa các yếu tố.

2. Quán triệt tư tưởng với nhau về cách vận hành gia đình đối nội đối ngoại
Cả hai cần chia sẻ quan điểm với nhau về việc phân chia công việc/trách nhiệm cụ thể trong gia đình (nhưng không quá cứng nhắc): cưới nhau rồi ở đâu, thuê nhà hay mua nhà trả góp, việc nhà phân chia như thế nào, khi một trong hai bận thì người còn lại có sẵn sàng làm giúp công việc đã được phân chia không, thăm nội ngoại mấy lần/tháng, nếu ở chung với bố mẹ thì hành xử như thế nào, đối xử với hàng xóm ra sao, làm rõ vai trò của mỗi cá nhân.

3. Thống nhất về tài chính
Trước khi kết hôn cả hai hãy hỏi nhau các câu hỏi tài chính sau: Tình hình tài chính hiện tại của cả hai như thế nào, ai quản lý tài chính, những chi phí nào thuộc ngân sách chi tiêu chung và bao nhiêu, kế hoạch tương lai là gì, mức sống nào phù hợp mức sống nào cả hai mong muốn, chuẩn bị cho việc đột xuất như thế nào (bệnh tật, làm ăn thua lỗ,…). Nếu cả hai còn trách nhiệm với anh em ruột hay bố mẹ và phải phụ giúp tài chính thì tiền gửi hằng tháng ra sao?

4. Thống nhất về cách nuôi dạy con cái sau này
Chia sẻ và đồng cảm với những khúc mắc của đối phương khi còn nhỏ vì ẩn ức tuổi thơ có thể áp đặt lên con cái sau này, thả để có con liền hay thư thả một thời gian, các phẩm chất phải nuôi dưỡng cho con, thời gian dành cho con phân chia như thế nào, tài chính/bảo hiểm lâu dài để nuôi dạy con cái,…

5. Thống nhất về trải nghiệm giải trí – thư giãn
Tần suất vợ chồng hẹn hò đi chơi riêng, du lịch, tổ chức ăn mừng các ngày kỉ niệm, lễ tết,…

6. Thống nhất hành xử khi có tranh cãi
Hành xử khi có xung đột giữa hai vợ chồng ra sao, kiên định không khoan nhượng với những lỗi lầm không thể tha thứ, và có giới hạn cho những hành động của bản thân.

7. Chia sẻ và lắng nghe nhu cầu tình dục của nhau, giải quyết nhu cầu thiết yếu ngay cả khi vợ mang thai như thế nào,…

8. Lắng nghe kì vọng đối phương muốn thay đổi điều gì ở nhau về tính cách, hành xử, thói quen sinh hoạt, tiếp thu và thay đổi nếu điều đó làm mối quan hệ giữa hai người tốt đẹp hơn.

9. Chia sẻ về tham vọng/ước mơ cá nhân
Xem xét người nào nên ưu tiên phát triển sự nghiệp, người còn lại là hậu phương (không phân biệt giới tính) và sự hi sinh phải có hạn định ra sao.

10. Giải quyết tất cả nỗi sợ
Vợ sợ chồng ngoại tình khi sinh nở cơ thể xồ xể, chồng sợ làm ăn thua lỗ vợ chê bai, vợ sợ chồng đi ngoài luồng và ngoại tình, chồng nghĩ nhà vợ khinh thường vì mình ở thế “chó chui gầm chạn”,…

-Bunny-

Leave a Comment

Your email address will not be published.

Scroll to Top